Tin Tức
Năng lượng mặt trời bùng nổ ở khu vực miền Nam: Lợi ích kép
21/11/2020 - Đăng bởi : roboviet
Ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) – cho biết, trong tháng 5/2020, EVNSPC đã ký biên bản lắp đặt công tơ 2 chiều với 1.736 khách hàng, tổng công suất tấm pin lắp đặt là 41.629 kWp. Lũy kế đến hết tháng 5/2020, tại 21 tỉnh thành miền Nam, đã có 4.495 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, tổng công suất tấm pin lắp đặt là 138.508 kWp, đạt 40% kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao là 350 MWp.
Các công ty điện lực thành viên của EVNSPC thực hiện vượt 45% kế hoạch tổng công ty giao là PC Bình Phước (115%), Bình Dương (66%), Long An (68%), An Giang (52%). Các đơn vị có tỷ lệ hoàn thành dưới 20% gồm Lâm Đồng (10%), Tiền Giang (14%), Bến Tre (12%), Vĩnh Long (16%), Cần Thơ (9%), Sóc Trăng (16%).
Theo ông Lý, đối với nhà đầu tư, điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã mang lại hiệu quả về mặt kinh tế cao, do đó ngày càng có nhiều khách hàng quan tâm đầu tư mới, nâng công suất đối với các hệ thống ĐMTMN đã lắp đặt trước đó. Cụ thể, sản lượng điện khách hàng tại khu vực miền Nam phát lên lưới trong tháng 5/2020 đã đạt 26.425.648 kWh, lũy kế đến hết tháng 5/2020 là 97.674.918 kWh. Trong đó, sản lượng điện phát trước ngày 30/6/2019 là 38.571.278 kWh và sau ngày 30/6/2019 là 59.103.640 kWh. Tính đến cuối tháng 5/2020, EVNSPC đã thanh toán tiền mua ĐMTMN cho 4.138 khách hàng với sản lượng 82.716.388 kWh, tương ứng 184,8 tỷ đồng.
Ngoài lĩnh vực ĐMTMN, tại miền Nam hiện còn có 48 nhà máy điện mặt trời (Solar Farm) đã đóng điện, tổng công suất lắp đặt là 2.403,253 MWp, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh và An Giang. Sản lượng điện nhận từ các nhà máy điện mặt trời trong tháng 5/2020 là 271,07 triệu kWh, chiếm 4,12% so với sản lượng điện nhận toàn hệ thống. Tổng sản lượng điện nhận từ các nhà máy điện mặt trời trong 5 tháng đầu năm 2020 là 1.370,70 triệu kWh, chiếm 4,32% tổng lũy kế điện nhận toàn hệ thống của EVNSPC.
Rõ ràng, việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN đã tạo ra nguồn năng lượng xanh và sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chủ động về nguồn điện phục vụ cho các tòa nhà khi áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong mua sắm thiết bị, vận hành hệ thống. Theo tính toán của các nhà đầu tư ĐMTMN, nếu đầu tư từ 30-45 triệu đồng lắp hệ thống ĐMTMN với công suất 4 – 5 kWp, hệ thống điện mặt trời này sẽ tạo ra lượng điện khoảng 25 kWh, đủ điện cho các thiết bị dùng điện như tivi, quạt, tủ lạnh, thắp sáng trong gia đình và chỉ trong thời gian 6 – 7 năm là hoàn vốn đầu tư.
Từ đầu năm đến nay, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký lắp đặt hệ thống ĐMTMN và không ít chủ đầu tư còn nâng thêm công suất của hệ thống. Theo PC Đồng Tháp, toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 730 khách hàng lắp đặt ĐMTMN, tổng công suất lắp đặt hơn 8.181kWp. Trong đó, có 486 khách hàng lắp đặt sau ngày 30/6/2019 với công suất gần 4.800kWp; sản lượng điện phát lên lưới gần 3,5 triệu kWh. Tính trong 5 tháng đầu năm 2020, ĐMTMN của tỉnh Đồng Tháp đã đạt hơn 1,8 triệu kWh, ngành điện đã thanh toán cho khách hàng tương ứng khoảng 3,5 tỷ đồng.
Tháng 12/2019, Công ty TNHH Mộng Yến ở TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đầu tư 2 tỷ đồng lắp đặt ĐMTMN, công suất 100kWp. Đại diện Công ty TNHH Mộng Yến cho biết, qua thời gian sử dụng, hệ thống ĐMTMN đã giúp tiết kiệm được gần 50% về chi phí tiền điện cho công ty. Năm 2019, ông Nguyễn Văn Thanh ngụ tại phường Mỹ Phú, TP. Cao Lãnh đầu tư khoảng 200 triệu đồng lắp đặt hệ thống ĐMTMN, công suất 12kWp. Theo ông Thanh, sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng gia đình ông còn dư ra khoảng 3 triệu đồng nhờ bán điện phát trên lưới, đây là lợi ích kép cho nhà đầu tư khi tham gia sử dụng ĐMTMN.
Theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 22/5/2020, giá mua ĐMTMN là 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent, áp dụng cho các hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà đấu nối từ ngày 1/7/ 2019 đến ngày 31/12/2020. Theo đó, giá mua ĐMTMN là 8,38 cent, thời hạn ký hợp đồng tối đa là 20 năm kể từ ngày vận hành phát điện. Đây là “cú hích” khiến cho nhiều khách hàng ở khu vực miền Nam bỏ vốn đầu tư hệ thống ĐMTMN trong thời gian gần đây.
Nguồn: https://congthuong.vn/nang-luong-mat-troi-bung-no-o-khu-vuc-mien-nam-loi-ich-kep-139029.html